MENU NGANG

Thị trường Hoa Kỳ: Điểm đến của gỗ Việt

Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là giải pháp quan trọng nhằm nâng tầm ngành này trong thời gian tới.

6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Trong đó, 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…

thi truong hoa ky diem den cua go viet
Sản phẩm gỗ Việt Nam có chất lượng cao, được thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu số 1 về gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15-17%/năm. Riêng 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ đã đạt 1,839 tỷ USD, tăng 34,98% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới 46% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Không chỉ là thị trường nhập khẩu chủ lực, ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ còn là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu số 1 cho Việt Nam. 5 Tháng đầu năm, nhập khẩu gỗ đạt 138,490 triệu USD, ứng với lượng cung trên 420,62 nghìn m3 gỗ quy tròn, tăng 24,9% về giá trị và 19% về lượng so với cùng kỳ 2018.

Chia sẻ tại hội nghị về xuất khẩu gỗ mới đây, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định, Hoa Kỳ là quốc gia có diện tích rừng lớn bậc nhất trên thế giới và có sản lượng khai thác không dưới 300 triệu m3 gỗ/năm. Gỗ nguyên liệu của Hoa Kỳ luôn đảm bảo có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Gỗ Hoa Kỳ luôn là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ ngày càng khắt khe với nguồn gốc gỗ nguyên liệu.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ và lâm sản là xuất khẩu đạt 11 tỷ USD trong năm 2019. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cam kết đồng hành, tạo điều kiện cho các DN và trong sự phát triển này rất cần sự phối hợp của Hoa Kỳ, đặc biệt là các DN nước bạn trong cung ứng nguồn nguyên liệu. “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sẽ hướng tới minh bạch, áp dụng quy trình sản xuất tốt để bảo đảm sự phát triển bền vững” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Luật Lâm nghiệp của Việt Nam và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và châu Âu đã có hiệu lực trong năm 2019 để đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của các sản phẩm gỗ. Ông Robert Hanson - Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - cho biết, Việt Nam là điểm đến số 1 đối với xuất khẩu gỗ cứng của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu gỗ cứng của Hoa Kỳ sang Việt Nam năm 2018 đã tăng 17,5% so với năm 2017.

Gỗ cứng Hoa Kỳ đã và đang khẳng định tầm quan trọng đối với ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam. Hiện gỗ cứng của Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam chiếm khoảng 1/8 nhu cầu, tiềm năng còn rộng mở.

Nguyễn Hạnh