MENU NGANG

Gần 17.000 doanh nghiệp làm thủ tục tại Hải quan Hải Phòng

- 6 tháng đầu năm, có 16.719 doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng.

gan 17000 doanh nghiep lam thu tuc tai hai quan hai phong
Hoạt động xuất nhập khẩu tại Hải Phòng có nhiều khởi sắc trong những tháng đầu năm với sự tham gia của gần 17.000 doanh nghiệp. Ảnh: T.Bình.

Trong đó có 2.092 doanh nghiệp tại địa bàn Hải Phòng, riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại thành phố cảng là 382 doanh nghiệp.

Tổng số tờ khai của doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng trong 6 qua là 285.529 tờ khai, trong đó có 165.495 tờ khai nhập khẩu và 120.034 tờ khai xuất khẩu, chiếm 54,5 % tổng số tờ khai của doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng.

Riêng cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng thực hiện 204.385 tờ khai (trong đó có 113.351 tờ khai nhập khẩu; 91.034 tờ khai xuất khẩu) chiếm 71,6 % tổng số tờ khai của của doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng.

Kim ngạch của doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đạt 16,123 tỷ USD chiếm 54,9% kim ngạch của doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng.

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng đóng góp 12,421 tỷ USD, chiếm 77% kim ngạch của doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng là máy móc thiết bị; sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử như (tấm màn hình dùng cho ti vi, cảm biến hình ảnh, mạch điện tử tích hợp,...); vải các loại; nguyên phụ liệu may, da, giày; sắt thép các loại, xăng dầu, thịt đông lạnh, linh kiện xe máy, linh kiện ô tô...

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng là sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử như (ti vi, điện thoại, máy giặt, bản mạch điện tử...), giầy dép các loại, túi xách, quần áo may mặc, máy in và các linh kiện máy in, lốp xe ôtô, hạt nhựa, hộp carton, đồ trang sức, rô bốt, sắt thép các loại, ván gỗ....

Thái Bình

Đưa Hải Phòng thành đầu mối logistics

Ảnh minh họa

Hội nghị "Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng" sẽ diễn ra ngày 12/7 tại Tp.Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo UBND Hải Phòng đồng chủ trì hội nghị.

Quyết định số 200/TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.

Bộ Công Thương với vai trò đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan triển khai thực hiện.

Hải Phòng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi

Hải Phòng là thành phố có lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia. Hải Phòng có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế. Cảng Lạch Huyện đang được xây dựng để trở thành cửa ngõ quốc tế.

Với kết cấu hạ tầng giao thông khá đầy đủ ở mọi hình thức vận tải, sân bay Cát Bi đang được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tăng cao của logistics hàng không. Hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ nối Hải Phòng với Hà Nội và các tỉnh, thành phố khá thuận tiện. Đường sắt kết nối với Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và vào các tỉnh phía Nam.

Hải Phòng cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và cơ sở đào tạo logistics của miền Bắc. Hải Phòng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển "Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc".

Theo quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); một cực tăng trưởng quan trọng của "Hai hành lang kinh tế", một trọng điểm phát triển kinh tế biển.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Hải Phòng sẽ được nâng cấp, hoàn thiện các trang thiết bị và xây dựng hai bên tại Đình Vũ để tàu 20.000 DWT có thể thuận tiện lưu thông, đưa năng lực thông quan lên tới 25-30 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng sẽ là nơi được hưởng lợi nhờ vị trí chiến lược gần các quốc gia Đông Bắc Á và cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện.

Chưa phát huy tiềm năng và lợi thể

Tuy nhiên, với vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng như vậy nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, cũng như chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả.

Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.

Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho ngành logistics Việt Nam phát triển. Đó là Nghị định số 30/CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển, Nghị định số 89/CP, Quyết định số 200/TTg. Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 549 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics Tp.Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu cho Hải Phòng đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc...

Hội nghị giúp Hải Phòng đánh giá, nhận thức đúng vai trò của dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhằm phát huy lợi thế vị trí chiến lược của Hải Phòng, nâng cao vai trò của dịch vụ logistics trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và tạo ra sự lan toả trong khu vực.

Các hoạt động phát triển hệ thống logistics của Hải Phòng sẽ được trao đổi tại hội nghị, bàn thảo cơ chế phối hợp giữa các bộ quản lý chuyên ngành và địa phương để thực hiện kế hoạch hành động tại Quyết định 200/TTg.

Các đại biểu sẽ thảo luận các giải pháp thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kết nối để đưa Hải Phòng trở thành đầu mối logistics của khu vực.

Hội nghị sẽ dành nhiều thời gian đối thoại giữa Bộ Công Thương, UBND Tp.Hải Phòng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Lắng nghe các góp ý, kiến nghị, đề xuất giải pháp của các doanh nghiệp để triển khai một cách hiệu quả...

Sự kiện được Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương UBND Tp.Hải Phòng, thu hút khoảng 300 đại biểu tham dự, bao gồm Văn phòng Chính phủ; Ban kinh tế TƯ; Văn phòng Quốc hội; đại diện các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Khoa học công nghệ, Thông tin - Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan quản lý tại địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu...

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Sáng ngày 4/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Trong những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành và của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những kết quả toàn diện. Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành, bí thư, chủ tịch 63 tỉnh thành đã luôn sâu sát, quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, bảo đảm cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn.

nganh cong nghiep che bien che tao dan dat tang truong kinh te
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành và của nền kinh tế. Ảnh Chinhphu.vn

Định hướng nội dung thảo luận trong cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đi thẳng vào những tồn tại, yếu kém, khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ ngành, từng địa phương phải đổi mới để cùng bàn, đưa ra đối sách, giải pháp, xử lý nhanh, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Lưu ý các bộ, ngành, địa phương về tinh thần, thái độ làm việc, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, bê trễ trong công việc. Đo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý dẫn đến mất cán bộ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại, song tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của nước ta ước đạt 6,76%, mặc dù thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018, song cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017 và dự báo nếu không có những yếu tố bất thường thì dự báo năm 2019 có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,8%.

nganh cong nghiep che bien che tao dan dat tang truong kinh te
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta cần có thái độ nhìn nhận nghiêm túc để thấy được trách nhiệm, đặc biệt là tìm được giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm. Ảnh Chinhphu.vn

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp, xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, ước đạt 8,93%, cao hơn dự kiến trong kịch bản tăng trưởng đã đề ra là 8,68%, trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao, tới 11,18%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành và của nền kinh tế.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao nên ngành thủy sản có mức tăng trưởng khá, đạt 6,45%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau, củ, quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng trưởng khá...

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong công tác hội nhập quốc tế tiếp tục ghi nhận những kết quả rất tích cực, trong đó nổi bật là việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), mở ra cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp EU trong thời gian tới.

Cùng đó, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, công tác an sinh xã hội, tạo việc làm… tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Hoàng Châu

Thị trường Hoa Kỳ: Điểm đến của gỗ Việt

Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là giải pháp quan trọng nhằm nâng tầm ngành này trong thời gian tới.

6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Trong đó, 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…

thi truong hoa ky diem den cua go viet
Sản phẩm gỗ Việt Nam có chất lượng cao, được thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu số 1 về gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15-17%/năm. Riêng 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ đã đạt 1,839 tỷ USD, tăng 34,98% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới 46% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Không chỉ là thị trường nhập khẩu chủ lực, ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ còn là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu số 1 cho Việt Nam. 5 Tháng đầu năm, nhập khẩu gỗ đạt 138,490 triệu USD, ứng với lượng cung trên 420,62 nghìn m3 gỗ quy tròn, tăng 24,9% về giá trị và 19% về lượng so với cùng kỳ 2018.

Chia sẻ tại hội nghị về xuất khẩu gỗ mới đây, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định, Hoa Kỳ là quốc gia có diện tích rừng lớn bậc nhất trên thế giới và có sản lượng khai thác không dưới 300 triệu m3 gỗ/năm. Gỗ nguyên liệu của Hoa Kỳ luôn đảm bảo có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Gỗ Hoa Kỳ luôn là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ ngày càng khắt khe với nguồn gốc gỗ nguyên liệu.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ và lâm sản là xuất khẩu đạt 11 tỷ USD trong năm 2019. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cam kết đồng hành, tạo điều kiện cho các DN và trong sự phát triển này rất cần sự phối hợp của Hoa Kỳ, đặc biệt là các DN nước bạn trong cung ứng nguồn nguyên liệu. “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sẽ hướng tới minh bạch, áp dụng quy trình sản xuất tốt để bảo đảm sự phát triển bền vững” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Luật Lâm nghiệp của Việt Nam và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và châu Âu đã có hiệu lực trong năm 2019 để đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của các sản phẩm gỗ. Ông Robert Hanson - Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - cho biết, Việt Nam là điểm đến số 1 đối với xuất khẩu gỗ cứng của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu gỗ cứng của Hoa Kỳ sang Việt Nam năm 2018 đã tăng 17,5% so với năm 2017.

Gỗ cứng Hoa Kỳ đã và đang khẳng định tầm quan trọng đối với ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam. Hiện gỗ cứng của Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam chiếm khoảng 1/8 nhu cầu, tiềm năng còn rộng mở.

Nguyễn Hạnh

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai giảm

heo ông Lê Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 qua địa bàn gặp khó khăn dẫn tới tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.

Hàng hóa sau thông quan qua cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt trên 919 triệu USD, giảm 6,77% so với năm 2018 (986 triệu USD). Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 558 triệu USD, giảm 2,26% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu đạt 361,3 triệu USD, giảm 12,97% so với năm 2018.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt thấp là do trong 6 tháng đầu năm 2019, phía Trung Quốc đã tăng cường chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu như: chính sách quản lý mặt hàng, tăng thuế xuất, nhập đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quản lý chặt chẽ các cửa khẩu phụ, lối mở, cấm không cho hàng hóa vận chuyển qua lối mở…

Đặc biệt, phía Trung Quốc cũng đã triển khai thí điểm thiết bị mới để soi chiếu hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch kiểm nghiệm và truy suất nguồn gốc bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản, thực phẩm.

Chính sách về thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch, sắp xếp lại xe biên mậu (trừ hàng xoài và thanh long các hàng hóa còn lại phải thực hiện dỡ xuống xe biên mậu)… cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, từ đầu năm 2019 đến nay, Hải quan tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai có hiệu quả thủ tục Hải quan điện tử và cơ chế Hải quan một cửa VNACCS/VCIS. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính về hải quan, đảm bảo đúng chính sách pháp luật, tạo thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hải quan tỉnh Lào Cai cũng đẩy mạnh các biện pháp thu nộp ngân sách, tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế. Áp dụng các chức năng mới trên Hệ thống e- Customs V5 để hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS. Thực hiện tốt tuyên ngôn phục vụ khách hàng "Chuyên nghiệp- Minh bạch – Hiệu quả".

Tại địa điểm làm thủ tục Hải quan ở khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Hải quan tỉnh Lào Cai đã niêm yết các thủ tục hải quan công khai, phối hợp chặt với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành để thông quan hàng hóa nhanh nhất cho doanh nghiệp./.

Tiến độ kiểm tra thông tin Asanzo nhập hàng Trung Quốc dán nhãn Việt đến đâu?

Liên quan đến việc kiểm tra thông tin dư luận phản ánh Công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc về dãn nhãn Made in Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết đang tích cực và làm việc hết sức trách nhiệm, phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến độ kiểm tra thông tin Asanzo nhập hàng Trung Quốc dán nhãn Việt đến đâu?
Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại nhưng lại chưa có quy định cụ thể tiêu chí made in Vietnam (ảnh minh họa)

Trao đổi với báo chí về thông tin Công ty Asanzo có hành vi thay đổi, bóc nhãn mác “Made in China” và gắn mác “Made in Vietnam” rồi bán sản phẩm ra thị trường, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc có xuất xứ Trung Quốc, lắp lại thành sản phẩm và gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương kiểm tra xử lý và báo cáo Chính phủ. "Hiện Bộ Công Thương đang tích cực và làm việc hết sức trách nhiệm, phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Cung cấp thêm thông tin về việc này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể nào về việc thế nào là hàng hóa sản phẩm của Việt Nam, thế nào là hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43 ban hành năm 2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hoá lưu hành tại Việt Nam đều phải dán nhãn.

Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như tên nhà sản xuất, tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hóa và xuất xứ hàng hoá...

Tuy nhiên, khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thương mại (FTA) khác nhau. Các hiệp định này có các quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa.

Hiện chúng ta vẫn chưa có 1 quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

“Văn bản này dự kiến ở cấp Thông tư, do Bộ Công Thương ban hành. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến rộng rãi các hiệp hội, doanh nghiệp người tiêu dùng để được sát thực với thực tế và ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại như vừa qua” - ông Trần Thanh Hải cho biết.

Bình Yên

Phản ứng bất ngờ của CEO Phạm Văn Tam khi Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh nhận đổi trả hàng Asanzo

Ông Phạm Văn Tam - CEO của Asanzo - vừa có thông báo gửi nhà phân phối và khách hàng, phản đối việc nhiều nhà bán lẻ trong nước như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim có chính sách thu hồi và đổi trả sản phẩm của Asanzo.

Thông tin nói trên được phản ánh trên Zing.vn. Theo đó, trước động thái thu hồi và đổi trả các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo của nhiều nhà bán lẻ trong nước, ông Phạm Văn Tam đã có thông báo gửi các nhà phân phối và khách hàng.

Cụ thể, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam phản đối chính sách đổi trả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo từ người tiêu dùng hoặc các kênh phân phối tại các địa điểm kinh doanh, trung tâm thương mại.

"Chúng tôi không có chủ trương thu hồi mọi sản phẩm mang thương hiệu Asanzo và không đồng ý, cũng như chấp nhận các chính sách này của khách hàng và đối tác, vì tất cả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo đã và đang được đưa ra thị trường bởi chúng tôi”, CEO của Asanzo khẳng định.

Tiêu dùng & Dư luận - Phản ứng bất ngờ của CEO Phạm Văn Tam khi Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh nhận đổi trả hàng Asanzo

Asanzo khẳng định hàng hoá được phân phối trên thị trường mang thương hiệu công ty và không chấp nhận đổi trả.

Asanzo cũng cho biết sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến thiệt hại trong quá trình các đối tác tự ý thực hiện chính sách thu hồi và đổi trả sản phẩm mang thương hiệu của công ty này.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ cho hay hàng điện tử gia dụng của Tập đoàn Asanzo được chứng nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” (HVNCLC). Asanzo quảng bá sử dụng “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Tuy nhiên, điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam.

Trước nghi vấn này, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo cho biết, 70% linh kiện tivi của Asanzo được nhập từ Trung Quốc, 30% còn lại được nhập tại các công ty ở Việt Nam và việc này không có gì là mới.

Ngày 22/6, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc Tập đoàn Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thì đơn vị này đã tiến hành “tước” danh hiệu HVNCLC của Tập đoàn Asanzo.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý Nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...

Liên quan đến lùm xùm nói trên, một số nhà bán lẻ trong nước đã có động thái ngừng bán các sản phẩm của Asanzo. Các nhà bán lẻ lớn như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim thậm chí còn có chính sách hỗ trợ đổi sản phẩm tivi Asanzo.

Vụ việc trên cũng làm lộ ra một lỗ hổng pháp lý về quy định hàng hoá xuất xứ tại Việt Nam.

Thông tin trên báo Pháp luật TPHCM, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam, chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như thế nào được gọi là “sản xuất tại Việt Nam”, “hàng hoá của Việt Nam”...

“Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn hàng hoá sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và hàng hoá của Việt Nam. Khi nào có dự thảo chính thức, Bộ sẽ công bố để lấy ý kiến người dân”, ông Hải nói.

Tiêu dùng & Dư luận - Phản ứng bất ngờ của CEO Phạm Văn Tam khi Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh nhận đổi trả hàng Asanzo (Hình 2).

Hoàng Yến (tổng hợp)